Thị trường bảo hiểm 2017: Nhiều khởi sắc, song cũng không ít hạn chế
Thêm một năm khởi sắc
Để đạt được những kết quả tích cực này, theo ông Khánh, ngoài các yếu tố khách quan như kinh tế tăng trưởng tích cực, khung khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm ngày càng hoàn thiện..., thì yếu tố chủ quan là nỗ lực của chính các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh.
“Đến nay, hầu hết các DNBH đã xây dựng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, từng bước chuẩn hoá các khâu trong hoạt động kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Nhiều DNBH đã tổ chức được hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh và được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá, xếp hạng”, ông Khánh nói.
Đơn cử, tại Tập đoàn Bảo Việt, dù doanh nghiệp chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, 9 tháng đầu năm, Bảo Việt Nhân thọ dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, chiếm 20,5% thị phần doanh thu khai thác mới, lợi nhuận đạt gần 850 tỷ đồng. trong khi tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của Bảo hiểm Bảo Việt cũng cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường (12,3%).
Tại Bảo hiểm PVI, tuy không tiết lộ kết quả kinh doanh 2017, nhưng ông Trương Quốc Lâm, Tổng giám đốc Công ty cho biết, PVI đã có những chuyển biến kịp thời về kế hoạch kinh doanh, công tác quản trị hệ thống và ghi nhận một số kết quả nổi bật.
Những hạn chế còn tồn tại
Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Phùng Ngọc Khánh cũng chia sẻ về những hạn chế còn tồn tại trong năm qua. Chẳng hạn, hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm tuy đã tương đối đầy đủ, nhưng vẫn cần thêm các chính sách ưu đãi để khuyến khích hơn nữa các DNBH đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm an sinh xã hội, sản phẩm bảo hiểm cho người có thu nhập thấp, sản phẩm bảo hiểm y tế...
Để hoàn thiện khung khổ pháp luật, ông Khánh cho biết, trước mắt, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách để hỗ trợ DNBH đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm về an sinh xã hội như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thủy sản... Dài hạn, Bộ sẽ nghiên cứu để trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, dự kiến vào năm 2020.
Về năng lực quản trị, điều hành của các doanh nghiệp, theo ông Khánh, là còn yếu, nhất là các DNBH nội. Một số DNBH phi nhân thọ vẫn đang áp dụng mô hình quản lý phi tập trung, phân cấp, hệ thống công nghệ thông tin chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trước đó, lãnh đạo một DNBH có vốn góp của ngân hàng từng thừa nhận, hệ thống công nghệ thông tin của công ty hiện vẫn chưa đồng bộ, chưa có phần mềm theo dõi và quản lý khách hàng, phần mềm bảo hiểm lõi mới đưa vào hoạt động được 5 năm, nhưng đã bộc lộ không ít hạn chế…
“Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chính sách thường xuyên và thiếu đồng bộ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác, kinh doanh bảo hiểm của công ty”, vị lãnh đạo này bộc bạch.
Liên quan đến đầu tư, vị lãnh đạo này cho biết, danh mục đầu tư của toàn khối còn chưa đa dạng do các DNBH chủ yếu hướng đến tiêu chí an toàn và giảm thiểu tối đa rủi ro mất vốn, nên phần lớn tỷ trọng đầu tư vẫn là tiền gửi và trái phiếu.
“Cùng với đó, nguồn nhân lực về bảo hiểm thường xuyên có sự biến động, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, tình trạng trục lợi bảo hiểm còn khá phổ biến… đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các DNBH…”, vị này nói.
Để nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DNBH, theo ông Khánh, trước mắt, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đánh giá, xếp loại doanh nghiệp theo các tiêu chí quy định tại Thông tư 195/2014/TT-BTC.
“Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang triển khai nghiên cứu mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro để từng bước áp dụng phù hợp với thị trường bảo hiểm Việt Nam, qua đó tăng cường tính chủ động cho doanh nghiệp trong việc sử dụng và quản lý nguồn vốn, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường đối với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới, phục vụ cho việc định phí bảo hiểm, tạo mặt bằng về mức phí sàn, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh trên thị trường...”, ông Khánh cho hay.
Kim Lan